Lượt xem: 2039

Người cán bộ “nặng nợ” với nông dân

Sóc Trăng được xác định là một tỉnh có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với đa dạng vùng sinh thái khác nhau trải dài ở khắp 11 huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên, song hành với những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi thì đây cũng là một trong bảy tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn. Thực tế này đặt ra một thách thức lớn đối với từng cán bộ phụ trách nông nghiệp khi phải vừa phát huy tốt lợi thế sẵn có, vừa có những giải pháp hữu hiệu để tập “thích ứng” cùng thiên tai; bảo vệ thành quả sản xuất cho hơn 70% bộ phận người dân sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Và, bài toàn khó này đã được dần tháo gỡ từ khi đồng chí Lương Minh Quyết được giao đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng từ cuối năm 2015. Như một sự “nặng nợ” với người nông dân, với nền nông nghiệp tỉnh nhà; bằng tất cả sự nhiệt tâm với nghề và ý thức trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo, đảng viên, đồng chí đã có những chỉ đạo kịp thời; được xem là những “quyết sách lớn” góp phần vực dậy nền nông nghiệp tỉnh nhà.

    Khi nói về một trong những mô hình nông nghiệp tiêu biểu của Sóc Trăng, có lẽ cần phải nhắc đến mô hình luân canh tôm - lúa với quy mô hơn 10.000 ha của huyện Mỹ Xuyên. Với sự linh hoạt của mình, nông dân vùng tôm-lúa Mỹ Xuyên cứ thuận theo tự nhiên mà sản xuất và phát triển kinh tế hộ gia đình. Mùa khô, khi độ mặn lên cao, người dân sẽ đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Đến khi mưa xuống, nước bắt đầu trở ngọt thì nông dân tại các xã như Hòa Tú 1, Ngọc Đông, Ngọc Tố, Gia Hòa 1, Thạnh Quới… lại dẫn đưa nước ngọt vào để canh tác lúa. Từ hiệu quả phát triển trồng trọt với nuôi thủy sản nước lợ phù hợp với đặc điểm vùng sinh thái đa dạng sinh học này đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh có đặc điểm vùng sinh thái tương tự. Năm 2015, quy trình canh tác bền vững này đã được nâng lên thành mô hình “lúa thơm - tôm sạch” để phù hợp với xu thế phát triển nghề chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ. Một lần nữa Sóc Trăng trở thành địa phương có hướng canh tác bền vững tiêu biểu của cả nước. Từ quy trình luân canh tôm - lúa cho đến mô hình “lúa thơm - tôm sạch” của huyện Mỹ Xuyên là tâm huyết và sự phấn đấu duy trì của đồng chí Lương Minh Quyết ngay từ khi còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên.

    Đồng chí Đặng Văn Phương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Có thể nói mô hình này gắn liền với những cống hiến, những nỗ lực của đồng chí Lương Minh Quyết. Trong những năm qua, dưới áp lực của quá trình biến đổi khí hậu cũng như tình trạng mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng thì mô hình tôm-lúa của nông dân huyện Mỹ Xuyên mà cụ thể là mô hình nông nghiệp đầu tiên do đồng chí Lương Minh Quyết khởi phát đã khẳng định được tính hiệu quả và sự bền vững. Vừa qua bà con tại 06 xã vùng trong của Mỹ Xuyên cũng vô cùng phấn khởi khi được đầu tư đường trục phát triển kinh tế; công trình hết sức ý nghĩa này cũng có sự quan tâm, đề xuất từ đồng chí Quyết, điều này tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, phát triển sản xuất đối với bà con vùng tôm - lúa nói riêng và bà con huyện Mỹ Xuyên nói chung”.


“Gần dân, sát cơ sở; lắng nghe hơi thở của đất – cây trồng – vật nuôi” là khẩu hiệu hành động mà đồng chí nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết đã đề ra cho ngành Nông nghiệp tỉnh.

 

    Một trong những thử thách lớn trên cương vị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng có lẽ là sự kiện mùa khô năm 2015-2016; khi đồng chí Quyết đảm nhận nhiệm vụ mới ngay trong thời điểm mà 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long phải gồng mình vượt qua những tổn thất nghiêm trọng do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra; riêng với Sóc Trăng mức thiệt hại do đợt hạn, mặn này lên đến 1.000 tỉ đồng. Nhận nhiệm vụ đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong bối cảnh có rất nhiều thách thức, đặc biệt là khi nông nghiệp tỉnh tăng trưởng âm vào năm 2016; đồng chí tân Giám đốc Sở lúc bấy giờ đã nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh và người dân tỉnh nhà; đồng thời cam kết sẽ không để tái diễn mức độ thiệt hại nghiêm trọng do chủ quan của ngành. Cũng tại diễn đàn triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí đại diện ngành tuyên bố trước lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh phương châm hành động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: “Gần dân, sát cơ sở, lắng nghe hơi thở của đất, cây trồng, vật nuôi.” Đây vừa là khẩu hiệu, vừa là phương châm hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành từ cấp tỉnh cho đến cơ sở. Chia sẻ về ý nghĩa khẩu hiệu này, đồng chí Quyết cho biết: “Nếu với các cán bộ, công chức, viên chức khác chỉ “gần dân, sát cơ sở” thì riêng với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có cả “lắng nghe hơi thở của đất, cây trồng, vật nuôi”. Làm như vậy có nhiều mặt lợi. Cái thứ nhất, cán bộ sẽ gắn lý luận, kiến thức với thực tiễn để phục vụ công việc, phục vụ Nhân dân được tốt hơn; vì mỗi một địa bàn đều có điều kiện sinh thái về nông nghiệp hoàn toàn khác nhau, huyện này thích nghi trồng cây này, nuôi con này thì huyện khác lại thích nghi với cây, con khác. Chính vì vậy mà cán bộ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nếu không sát người dân để chỉ đạo, hướng dẫn thì mô hình sẽ mai một dần chứ không thể phát huy hiệu quả. Sau khi đã thực hiện đạt mục đích tái cơ cấu rồi thì phải hướng dẫn cho người dân chuyển đổi tư duy. Đây là điều tôi cho rằng vô cùng quan trọng. Từ tư duy sản xuất nông nghiệp bình thường phải chuyển qua tư duy về kinh tế nông nghiệp, tức là đã làm thì phải làm cho có hiệu quả, phải tập cho người dân có sự nghiên cứu, tính toán về thị trường. Mà muốn làm được những điều này thì cần phải sát dân. Ví dụ như cây nào không thích hợp hay vật nuôi nào không khả quan về đầu ra... Khi “gần dân, sát cơ sở” rồi thì sau này khi tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những chính sách phát triển kinh tế nông thôn sẽ hoàn toàn chính xác”.

    “Nói đi đôi với làm”! Từng bộ phận chức năng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn; Ban Giám đốc phối hợp cùng lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập giai đoạn 2016 - 2020. Sau đợt hạn mặn mùa khô năm 2015 - 2016, đồng chí Lương Minh Quyết đề xuất giải pháp công trình là “đào sâu hơn, rộng hơn hệ thống sông rạch, kênh thủy lợi để trữ nước ngọt và Đề án ứng phó với hạn, mặn giai đoạn 2016 – 2020 với tổng kinh phí  1.100 tỉ đồng để thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn, mặn, ưu tiên đầu tư cho hệ thống cống, đập, hệ thống bờ bao, đê bao ngăn mặn; nạo vét toàn bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, kênh tạo nguồn để tăng năng lực trữ ngọt. Vùng thủy lợi khép kín thuộc dự án Long Phú - Tiếp Nhựt với diện tích lúa trên 45.000 ha của hai huyện Long Phú và Trần Đề đã hoàn chỉnh hệ thống cống ngăn mặn. Nếu năm 2016 nước ngọt đầu nguồn đổ về có thể trữ được trong hệ thống thủy lợi chỉ tương đương 12%, còn lại sẽ  chảy tràn ra biển, sau khi thiết kế cải tạo lại hệ thống thủy lợi, sông rạch, năng lực tích trữ nước tăng lên tương đương 30% lượng nước tích trữ được trong hệ thống. Nguồn nước tích trữ này có thể bơm tưới cho toàn vùng lúa dự án trong thời gian 30 ngày trước khi thu hoạch. Nếu nguồn nước ngọt chỉ dành canh tác các loại rau màu và nguồn nước tưới cỏ phục vụ chăn nuôi bò thì sẽ duy trì suốt mùa khô hạn, ngay trong tình huống không còn nguồn nước ngọt bổ sung vào vùng dự án.

    Ở vùng trồng trọt bị nhiễm mặn theo mùa được đồng chí chỉ đạo quy hoạch thủy lợi khép kín tiểu vùng, nông dân hoàn toàn khống chế mặn thông qua hệ thống bờ bao, cống đập, trữ ngọt khi có điều kiện. Vùng chuyên canh cây ăn trái, nguồn nước tưới được tích trữ trong ao mương, ruộng lúa, nông dân sẽ tập trung trữ nước lên đồng ruộng vào thời điểm đỉnh triều thấp nhất, nước ngọt đầu nguồn tràn về. Những cánh đồng chuyên canh rau màu ở địa bàn cuối nguồn nước ngọt, vùng cao, vùng có nguy cơ nhiễm mặn nông dân áp dụng mô hình ao trữ ngọt để đảm bảo nguồn nước tưới, những rẫy màu vẫn xanh tốt giữa cái hạn gay gắt của tháng 3. Nông dân chuyên trồng màu ở vùng cao, vùng nhiễm mặn ở Sóc Trăng  khai thác triệt để mô hình ao trữ nước để tạo sinh kế trong mùa khô.

    Giải pháp này đã vận dụng bản chất và quy luật tự nhiên vốn có của đặc điểm vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, không can thiệp tự nhiên để duy trì sản xuất. Giải pháp trữ ngọt qua hệ thống sông ngòi, kênh tạo nguồn, hệ thống thủy lợi nội đồng đã cứu được trên 22.000ha lúa Đông Xuân vùng thủy lợi khép kín, đảm bảo thu hoạch an toàn qua đợt hạn mặn gay gắt mùa khô năm 2020. Đợt hạn mặn mùa khô 2019 - 2020, Đồng bằng sông Cửu Long trải qua thảm cảnh thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập gay gắt, nghiêm trọng, gây xáo trộn về đời sống sinh hoạt, và sản xuất đối với 9 tỉnh, thành phố, nhưng Sóc Trăng vượt qua đợt hạn, mặn khá an toàn. Đồng chí Lương Minh Quyết đã hoàn thành lời cam kết với nông dân Sóc Trăng trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ ngay trong thời điểm khắc nghiệt của hạn, mặn năm 2015 - 2016.

    Trần Đề, Long Phú là 02 huyện chịu tác động nặng nề nhất của Sóc Trăng vào mỗi mùa hạn, mặn; chính từ giải pháp trữ ngọt tiểu vùng, cơ cấu mùa vụ hợp lý do đồng chí Giám đốc Sở chỉ đạo mà giờ đây, các địa phương ở đây đã không còn phải “nơm nớp” về nỗi lo hạn, mặn như trước. Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề phấn khởi cho biết thêm: “Trong những năm qua tình hình xâm nhập mặn tại Sóc Trăng nói chung, đặc biệt là tại huyện Trần Đề diễn ra gay gắt. Từ những chủ trương của Trung ương cũng như của tỉnh, đồng chí giám đốc Sở chỉ đạo rất quyết liệt và sát với thực tiễn. Về bố trí mùa vụ sản xuất đồng chí chỉ đạo là phải thu hoạch lúa Đông Xuân hằng năm trước Tết Nguyên đán nhằm tránh hạn, mặn vào cuối vụ. Đồng chí cũng chỉ đạo phải thay đổi cơ cấu giống; lựa chọn những giống có chất lượng, chịu mặn tốt... Như chúng ta biết, hệ thống thủy lợi của huyện Trần Đề rất phức tạp, là vùng không có nước ngọt dự trữ và đặc biệt rất dễ bị bồi lắng, đồng chỉ Lương Minh Quyết đã chỉ đạo thường xuyên phải nạo vét hệ thống kênh, đặc biệt là hệ thống kênh thủy lợi nội đồng, đắp lại toàn bộ những đập tạm thời để chứa nước. Một sự chỉ đạo hết sức thực tế và việc vận hành hệ thống cống, để giải quyết vấn đề vừa sản xuất, vừa lưu thông. Từ sự chỉ đạo quyết liệt này mà giảm thiệt hại rất lớn đối với người dân trên địa bàn Trần Đề vào mỗi mùa hạn, mặn. Điển hình như trong mùa khô 2019 - 2020, mặc dù mặn xâm nhập sâu nhưng thiệt hại về năng suất lúa Đông Xuân của Trần Đề còn chưa đến 50 ha (giảm từ 10 đến 30% năng suất). Và năng suất chung của vụ Đông Xuân 2019 - 2020 lại cao hơn năng suất của trung bình nhiều năm trước”..

    Bên cạnh giải pháp công trình thì giải pháp phi công trình ứng phó với hạn, mặn cũng được triển khai đồng bộ; Trại giống thì tập trung khảo nghiệm, lai tạo các giống lúa chịu mặn, giống ngắn ngày; các huyện, thị xã có nguy cơ nhiễm mặn sẽ tiến hành quy hoạch lại vùng trồng lúa, vùng cây ăn trái, nuôi thủy sản để phù hợp với xu thế của hạn, mặn. Ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền cho nông dân canh tác 2 vụ lúa trong năm đối với địa bàn mặn tấn công vào mùa khô với phương châm tránh né thời điểm hạn, mặn gay gắt, việc thực hiện quy trình luân canh 2 lúa - 1 màu đã được nông dân đồng tình. Ông Lâm Ẩn - nông dân xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú tâm sự: “Bây giờ nông dân chúng tôi rất yên tâm sản xuất, không còn lo lắng vào mùa khô như lúc trước nữa. Sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc, mùa khô thì chuyển qua trồng màu. Nói chung là dù trong mùa hạn, mặn thì bà con vẫn có sinh kế, có thu nhập bình thường chứ không còn lo ngại như những năm trước”.

    Thời gian đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Lương Minh Quyết đã dành nhiều thời gian xuống tận các cánh đồng, xem từng mô hình, cách làm hiệu quả để nhân rộng. Ở đó, đồng chí được nghe ý kiến đóng góp, nguyện vọng của nông dân, của chính quyền cơ sở, đó là yếu tố thành công trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Gần gũi, thân mật, chia sẻ là phong cách của đồng chí Lương Minh Quyết từ khi lãnh đạo UBND huyện Mỹ Xuyên cho đến khi lãnh đạo toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Nhờ dày dặn trong công tác quản lý nhà nước, biết lắng nghe ý kiến nông dân nên các vấn đề còn vướng mắc trong lĩnh vực chuyên môn đều được đồng chí trực tiếp xử lý dứt điểm, tạo lòng tin tuyệt đối với bà con nông dân. Không chỉ được nông dân tin yêu, quý mến; khả năng làm việc hiệu quả cùng những chỉ đạo sâu sát của đồng chí Quyết còn tạo được nhiều ấn tượng đẹp đối với lãnh đạo các huyện, thị trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Mau - Phó Chủ tịch UBND xã Tài Văn, huyện Trần Đề chia sẻ: “Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những chỉ đạo rất sát sao, thực tế và đi sâu sát cơ sở. Từ đó mà năng suất rồi sản lượng giống cây trồng vật nuôi đều tăng và đạt chỉ tiêu hằng năm. Giao tiếp, ứng xử của đồng chí rất tốt; gần gũi, trao đổi với anh em xem cái gì còn khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng tháo gỡ, tạo được niềm tin đối với người dân, từ đó quá trình sản xuất được thuận lợi hơn. Nói chung đồng chí là người nói được, làm được”.

    Ở lĩnh vực thủy sản, đồng chí Lương Minh Quyết đã nhanh chóng chỉ đạo xây dựng thành công mô hình liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp. Doanh nghiệp thu mua không lo nguyên liệu sạch, người nuôi không lo đầu ra, giá bán thông qua liên kết người nuôi tăng thêm từ 3.000 đến 4.000 đồng/1kg. Các dự án, đề án hỗ trợ phát triển ngành tôm cũng được quan tâm, sản xuất nuôi trồng từng bước đi vào nền nếp, giá trị nâng lên theo tinh thần Đề án cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sóc Trăng đề ra. Cán bộ ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã thật sự “rời bàn giấy” để cùng với nông dân thực hiện nhiệm vụ một cách thiết thực, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân nói riêng và nền nông nghiệp tỉnh nhà nói chung.

    Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ lực trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp Sóc Trăng trong nhiệm kỳ vừa qua đã in đậm dấu ấn của mô hình sản xuất tập trung, nhiều loại cây ăn trái đã gia nhập thị trường thế giới, từng khu vực được quy hoạch hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tự nhiên để cây trồng, vật nuôi phát huy lợi thế. Giống lúa mùa tài nguyên Thạnh Trị, lúa thơm ST25 đã khẳng định được thương hiệu, 99 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu đã được công nhận OCOP… Sóc Trăng thành công với mục tiêu xây dựng vùng lúa chất lượng cao, là “một trong ba thủ phủ tôm” của cả nước, là một trong mười lăm cảng cá loại I của cả nước. Tất cả là những dấu ấn to lớn của ngành nông nghiệp, là sự đóng góp bằng cả tâm huyết của người cán bộ đầu tàu Lương Minh Quyết cùng những cán bộ chuyên môn trong ngành nông nghiệp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, vì mục tiêu phát triển của gần 01 triệu nông dân tỉnh nhà.

    Một sự chuyển dịch toàn diện của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, từng lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng được củng cố, nâng cao chất lượng, tăng giá trị lợi nhuận cho nông dân từ 30 đến 50% đối với mô hình chuyển đổi sản xuất. Giai đoạn 5 năm đảm đương chức vụ giám đốc Sở đã ghi đậm dấu ấn của đồng chí Lương Minh Quyết về giải pháp ứng phó hạn, mặn một cách căn cơ cả giải pháp công trình và phi công trình; nâng chất các cánh đồng chuyển sang canh tác lúa chất lượng cao chiếm gần 60%, đặc biệt là phát huy thương hiệu lúa thơm ST25 và thương hiệu lúa tài nguyên mùa; ngành tôm đang hướng đến quy trình nuôi thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường chiếm gần 7% diện tích; cơ cấu lại nông nghiệp một cách hợp lý hơn; nâng tổng đàn bò thịt tăng gấp đôi theo hướng nâng cao tầm vóc đàn bò chiếm trên 99%, củng cố đàn bò sữa theo hướng quy mô kinh tế hộ và kinh tế trang trại; mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã có 50/80 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 01 huyện nông thôn mới và 01 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, … Những thành tựu đó đã nói lên tinh thần quyết tâm của cán bộ, công nhân viên chức ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng luôn “bám cơ sở”, luôn lắng nghe “hơi thở của đất” vì mục tiêu phát triển bền vững nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 87
  • Hôm nay: 6378
  • Trong tuần: 73,698
  • Tất cả: 11,857,887